
Các vấn đề khi sử dụng thiết bị điện gia dụng cần lưu ý
Vũ Đình Trình
Th 6 18/08/2023
Đồ gia dụng trong gia đình đang ngày càng trở nên cần thiết trong cuộc sống thường ngày hơn, top những trợ thủ trong nhà bếp giúp người nội trợ nấu nướng và dọn dẹp nhanh chóng. Tuy nhiên, những vật dụng này sẽ là mối nguy hiểm đến gia đình bạn nếu bạn không chú ý kĩ tới những vấn đề tưởng chừng như đơn giản. Vậy nên trong loạt bài viết chia sẻ Kinh nghiệm vào bếp tuần này, Germany S&T sẽ gửi đến bạn những lưu ý khi dử dụng thiết bị điện gia dụng mà bạn cần phải biết!
Những lưu ý khi sử dụng đồ gia dụng bạn cần biết
1. Sai lầm làm giảm tuổi thọ bình đun nước siêu tốc
- Để lại nước quá lâu bên trong bình, làm giảm chất lượng nước, bình dễ bị bám cặn.
- Đổ cạn nước ra khỏi bình sau khi đun sôi, sẽ làm cho mâm nhiệt rất nhanh hỏng bởi sau khi đun xong bình siêu tốc vẫn còn rất nóng.
- Đậy không kín hoặc không đậy nắp bình siêu tốc khi đun, dẫn đến dễ hỏng rơ le tự ngắt, gây nguy hiểm nguy cơ cháy nổ, nhanh hỏng bình.
- Đun lượng nước không đúng quy định.
Không đun lượng nước vượt quá mức quy định
2. Rủi ro cháy nổ với bàn là hơi nước
Những sai lầm phổ biến khiến bàn ủi hơi nước hoạt động không tốt, nhanh hỏng như đồ nước bẩn, điều chỉnh gây rò rỉ nước, nóng vội không biết cách sử dụng,...
Dùng bàn ủi hơi nước tránh mắc sai lầm này vì dễ chập cháy và tốn điện
Rỉ nước vì điều chỉnh bàn ủi hơi nước sai
Sai lầm mọi người thường gặp phải là có thói quen vừa cắm điện đã vặn ngay núm hơi mà không biết rằng điều này rất có hại cho bàn ủi hơi nước. Bởi nước trong bàn ủi chưa đủ nóng để tạo ra lượng hơi nước cần thiết sẽ làm cho nước bị nhỏ giọt ra ngoài, chính vì thế mà bàn ủi phải tiêu thụ lượng lớn điện năng để tự làm khô.
Để nước trong bàn ủi hơi nước đóng cặn bẩn không thay
Việc không đổ nước cũ thay nước mới cho bàn ủi hơi nước khiến cho những cặn bẩn đóng lại. Điều này không chỉ làm bẩn quần áo mỗi lần ủi mà còn làm tắc nghẽn lỗ phun. Do đó, người dùng chỉ nên sử dụng nước tinh khiết hoặc nước đun sôi để nguội và lưu ý vệ sinh bầu chứa nước khô ráo, sạch sẽ sau khi dùng.
Quấn dây điện ngay khi vừa dùng bàn ủi hơi nước xong
Sẽ không tốt nếu có thói quen quấn dây điện ngay khi vừa ủi quần áo vì có thể tiềm ẩn nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao. Vì thế, tốt nhất nên cất bàn ủi ở một nơi cách xa tầm tay trẻ em và đợi cho nguội hẳn. Các chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, sau mỗi lần sử dụng nên tắt chế độ phun nước và điều chỉnh công suất về mức 0.
Không vệ sinh bàn ủi hơi nước theo định kỳ
Nhiều người cho rằng bàn ủi vốn chỉ tiếp xúc với quần áo sạch nên không để ý việc vệ sinh sau khi sử dụng. Tuy nhiên, để thiết bị được bền hơn, người dùng nên vệ sinh bàn ủi ít nhất 6 tháng 1 lần với giấm và nước. Nếu để lâu ngày bụi bẩn sẽ két lại trên bề mặt bàn là hơi nước đồng nghĩa với việc khi là quần áo sẽ bị ố vàng, cháy khét.
3. Sai lầm phổ biến khi sử dụng máy xay sinh tố bạn cần tránh
Không rút phích cắm sau khi sử dụng
Không rút phích cắm sau khi sử dụng là sai lầm mà rất nhiều người dùng máy xay sinh tố thường mắc phải. Sai lầm này có thể không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu trong lúc làm bếp, bạn vô tình nhấn nút khởi động khi không có thực phẩm trong cối xay thì sẽ khiến motor có thể bị chập, cháy.
Bên cạnh đó, khi máy đã cắm điện có thể khiến bạn hoặc người khác chủ quan vô tư cho thực phẩm vào lần xay sau đó mà không kiểm tra xem các bộ phận đã lắp ráp chính xác, trùng khớp hay chưa. Việc này có thể làm máy bị vỡ vỏ nhựa, mòn bánh răng giữa thân máy và cối máy xay, cùng với đó là khiến thực phẩm bị văng ra ngoài.
Không vệ sinh máy sau khi dùng
Nhiều người thường không rửa máy xay sinh tố ngay sau khi sử dụng mà chờ để rửa cùng bát đĩa khác hoặc rửa với máy rửa chén bát. Tuy nhiên, đây là một sai lầm rất nghiêm trọng bởi nó vô tình tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, đồng thời làm các cặn thực phẩm bám chặt vào cối xay khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn và có thể là kẹt lại dưới lưỡi dao. Vì vậy, sau khi sử dụng xong máy xay sinh tố, nếu chưa thể rửa luôn thì bạn nên ngâm cối vào nước rửa chén trước để bảo đảm vi khuẩn không sinh sôi và cặn thực phẩm không bám lại trên cối nhé.
Xay quá nhiều nguyên liệu
Xay quá nhiều nguyên liệu trong một lần xay không chỉ khiến nguyên liệu không được xay nhuyễn mịn như ý mà còn có thể khiến thực phẩm bị trào ra ngoài, lưỡi dao bị kẹt dẫn đến chập, cháy máy... Vì vậy, khi sử dụng máy xay sinh tố, bạn nên chú ý đến khuyến cáo của nhà sản xuất, không nên cho nguyên liệu đầy quá 2/3 cối xay. Tốt nhất, bạn nên bỏ lượng vừa phải nguyên liệu và chú ý cắt nhỏ nguyên liệu ra để máy làm việc hiệu quả hơn.
Xay chung đồ sống và đồ chín
Một sai lầm khi sử dụng máy xay sinh tố mà nếu đã biết thì bạn tuyệt đối không nên lặp lại, đó là xay lẫn cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín. Việc xay thực phẩm sống và chín lẫn lộn vừa mất vệ sinh, vừa khiến thực phẩm bị biến vị, nguy cơ nhiễm khuẩn chéo tăng cao, nhất là khi bạn chế biến thức ăn cho trẻ nhỏ. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị hai cối xay riêng biệt cho hai loại thực phẩm này để bảo đảm vệ sinh cũng như giữ được trọn vẹn hương vị của thực phẩm.
4. Vấn đề phổ biến khi sử dụng bếp từ
Nấu bếp từ ở nhiệt độ cao liên tục
- Bạn không nên sử dụng bếp từ ở mức công suất cao liên tục vì điều này dễ khiến bếp quá tải, gây giảm tuổi thọ của bếp và có thể làm nứt mặt bếp.
- Sau khi nấu xong một món ăn, bạn nên tắt bếp nghỉ ngơi khoảng 2-3 phút rồi mới tiếp tục nấu món khác.
Sử dụng dụng cụ nấu nướng không phù hợp
Loại nồi danh cho bếp từ là các nồi đáy phẳng bằng inox nhiễm từ, sắt tráng men hoặc thủy tinh có sợi kim loại. Các dunhj cụ nấu nướng khác như (đũa, muỗng, thìa,..)bạn nên chọn loại có khả năng chịu nhiệt cao: gỗ, silicon,...
Nếu dung muỗng kim loại, chúng sẽ dẫn nhiệt rất nhanh và có thể làm người sử dụng bị bỏng, còn những vật dụng bằng nhựa thì sẽ dễ bị tan chảy.
Đặt tay hoặc các vật dụng không cần thiết khác lên bếp khi đang nấu
Khi hoạt động, bề mặt bếp từ không sinh nhiệt nhưng đáy nồi lại lại có nhiệt độ khá cao, nhanh chóng truyền sang cho bề mặt bếp và các vật khác có trên bề mặt bếp, có thể gây bỏng. Bên cạnh đó, không nên di chuyển bếp khi đang sử dụng để tránh vô tính chạm phải nồi đang nóng, gây nguy hiểm.
Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong
Rút nguồn điện ngay sau khi dùng sẽ làm quạt tản nhiệt không hoạt động nữa, làm chậm quá trình làm mát của bếp.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên ấn nút OFF (Tắt) để tắt bếp và đợi khoảng 10 -15 phút rồi mới rút nguồn điện ra.
Hơn nữa, bạn không nên lót giấy báo hay vải ở dưới bếp từ để tránh tình trạng nhiệt không được tản ra xung quanh, và lưu ý là bếp từ cần được đặt ở nơi thông thoáng.
5. Sai lầm trong khi sử dụng máy giặt
- Cho quá nhiều quần áo, quá tải dung tích mà máy giặt có thể chứa.
- Đặt các vật nặng hay ngồi lên trên máy giặt khi đang hoạt động.
- Không kiểm tra các túi quần, áo nên thẻ từ, chìa khóa, bật lửa... còn sót lại có thể gây hại cho máy giặt trong quá trình giặt.
- Không sử dụng bột giặt và nước xả dành riêng cho máy giặt.
- Không lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi đã giặt xong. Việc để một lượng lớn quần áo ẩm trong máy trong một thời gian dài có thể gây hỏng máy.
Sai lầm khi sử dụng máy giặt
6. Điều hòa máy lạnh - cách sử dụng an toàn
- Bật/tắt liên tục, sẽ làm máy nén, động cơ phải khởi động lại nhiều lần.
- Tăng giảm nhiệt độ liên tục, làm đảo lộn quá trình vận hành thông thường của máy, giảm độ bền của điều hòa.
- Không bật thêm quạt gió: Quạt và điều hòa có thể hoạt động bổ trợ lẫn nhau, làm mát và đưa không khí mát tới đều trong căn phòng, giúp giảm bớt công suất, tần suất làm việc của điều hòa.
- Không bảo trì máy thường xuyên: Điều hòa đưa không khí vào nhà và hút khí nóng mang theo bụi bẩn ra ngoài. Nếu không dùng bộ lọc không khí và bảo trì máy thường xuyên, máy vẫn có thể chạy nhưng hiệu suất giảm và có thể gây bệnh về đường hô hấp cho người sử dụng.
7. Lưu ý khi sử dụng tủ lạnh
- Đặt thức ăn nóng vào tủ lạnh, khiến hơi nóng từ thức ăn tỏa ra, làm ấm không khí bên trong. Khi đó máy nén của tủ lạnh phải làm việc nhiều hơn, gây lãng phí điện năng, nhanh hỏng tủ.
- Không làm sạch phía sau tủ cũng là nguyên nhân làm tủ nhanh hỏng. Có thể dùng máy hút bụi để không phải di chuyển tủ.
- Cắm điện tủ lạnh ngay sau khi vừa di chuyển tủ có thể gây rò rỉ dầu máy. Nếu bạn biết chắc tủ lạnh không bị nghiêng trong lúc vận chuyển, hãy chờ khoảng 4 - 6 giờ mới cắm điện. Nếu nghi ngờ tủ bị nghiêng, tốt nhất hãy chờ khoảng 15 tiếng.
Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm những sai lầm chúng ta thường gặp phải với các sản phẩm thiết bị điện gia dụng. Mong rằng trong bài viết này, Germany S&T đã giúp bạn có thêm những bí kíp với những những lưu ý khi dử dụng thiết bị điện gia dụng, từ đó đảm bảo được an toàn cho bạn và những người thân yêu trong gia đình.